Tuy nhiên sau lần tăng giá xăng thứ 5 liên tiếp vào ngày 10/11, trước sức ép quá lớn, ông Hùng cho biết các nhà xe đã phải tăng giá vận chuyển 6-10% để chia sẻ cùng chủ hàng và thăm dò phản ứng của khách.
Theo đại diện Hiệp hội Vận tải tỉnh Bình Dương, hiện nay nếu không tăng giá thì doanh nghiệp không thể sống, xe bus cũng vậy. Khách đi không có, càng chạy càng lỗ nên nhiều hãng xe lựa cũng chọn phương án chưa hoạt động.
Giá nhiên liệu tăng “phi mã” cũng tác động sâu rộng đến giá sinh hoạt thường ngày. Đơn cử, bánh mỳ chả 20.000/chiếc nay tăng lên mức 30.000 đồng/chiếc; bún đậu mắm tôm tăng 10.000-15.000 đồng/suất; bánh xèo 60.000 đồng/suất 10 cái thì nay tăng lên 70.000 đồng; bún bò 35.000 đồng/suất nay cũng thông báo tăng giá 50.000 đồng/suất...
Liệu giá xăng còn tăng tiếp?
Trả lời Zing về câu hỏi liệu giá xăng trong nước còn tăng tiếp trong thời gian tới, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đưa ra 3 lý do để nhận định sẽ rất khó.
Thứ nhất, giá xăng trong nước phụ thuộc vào giá thế giới, mà khi kinh tế mới vừa bắt đầu phục hồi, dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại ở một số nước, gây ra giãn cách xã hội. Thứ hai, giá xăng thế giới đang ở mức rất cao, nếu tăng nữa sẽ tác động lớn vào giá thành sản xuất.
Cả hai yếu tố trên đều khiến nhu cầu về vận tải giảm mạnh. Và khi phục hồi kinh tế bị hạn chế và nguồn cầu nhiên liệu giảm, giá sẽ hạ.
Thứ ba, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cho rằng hiện tại mới chỉ là giai đoạn đầu của phục hồi kinh tế, chứ chưa chắc chắn. Ở mức giá xoay quanh hiện tại, các nước sản xuất dầu mỏ nắm nhiều lợi thế nhất.
![]() |
Từ nay đến cuối năm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng giá xăng dầu trong nước sẽ có nhiều biến động, nhất là khi sản xuất, giao thông vận tải đang dần được mở cửa trở lại.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thẳng thắn nhìn nhận giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và ảnh hưởng tiêu cực tới năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi xuất sang các nước.
Để chặn đà tăng của giá xăng dầu, Thứ trưởng cho biết Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn để hạn chế mức tăng so với thế giới. Từ quý III, Bộ đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát giảm các loại, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường, đối với mặt hàng này.
Theo quy định, điều hành xăng dầu là nhiệm vụ của Bộ Công Thương, nhưng chính sách giảm thuế phí lại do Bộ Tài chính tính toán. Trao đổi với báo chí, ông Đặng Công Khôi, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết để “ghìm” giá xăng dầu, cần phải theo dõi sát diễn biến giá thế giới và sẵn sàng phương án để thực hiện Nghị định 95, sửa đổi bổ sung Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, từ 2/1/2022, kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ được giảm từ 15 ngày xuống còn 10 ngày để sát hơn với biến động giá thế giới, tức là mỗi tháng điều chỉnh ba lần. Thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng.
Hiện tại, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 trên thị trường ở mức 23.669 đồng/lít, với xăng RON 95 là 24.996 đồng/lít, cùng cao nhất trong vòng hơn 7 năm và chỉ còn kém đỉnh lịch sử 1.971 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và kém 1.144 đồng đối với xăng RON 95 (thời điểm ngày 7/7/2014, xăng E5 RON 92 có giá 25.640 đồng/lít, xăng RON 95 giá 26.140 đồng/lít).
Trong vòng một năm qua, giá các mặt hàng xăng trong nước đã tăng tới 18 lần, giảm 3 lần và giữ nguyên 3 lần, với xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 9.784 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 10.295 đồng/lít (tương đương tăng 41%).
Bình luận